Review Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian – Từ những bóng ma lượn lờ giữa giấc mơ Mỹ?

 Thật khó để gói gọn những gì mà cuốn sách này đề cập đến trong một số lượng từ giới hạn, khi nội dung mà nó chứa đựng ồ ạt như một dòng thác. “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vuong là một tác phẩm đáng kinh ngạc về cái đẹp trong từng con chữ của ngôn từ và cái đẹp bền bỉ bươn qua bao mất mát thăng trầm của sự sống.


Đọc thêm:

Một cuốn tiểu thuyết thư từ.

Cuốn sách được sáng tác dưới dạng những lá thư của một cậu con trai thường gọi là Chó Con viết cho mẹ của cậu, một người mẹ không biết chữ. Và bởi vì lẽ đó, đây là một tập hợp những lá thư không bao giờ gửi. Hay hiểu theo một cách khác, đây là lời tâm tình của Chó Con với mẹ cậu về quãng đời mà cậu đã trải qua từ thuở bé thơ đến khi trưởng thành, được thể hiện trực tiếp qua những mẩu chuyện hoặc gián tiếp bằng triết lý, bằng bài thơ.


Qua lăng kính của nhân vật chính, những mảng ký ức nhuốm bụi thời gian lần lượt được lật mở. Ở đó, có chiến tranh từ thế hệ người bà, người mẹ. Có cuộc di cư dài đằng đẳng từ vùng quê Việt Nam đến đất nước Mỹ. Có mò mẫm, dò dẫm, bị vô hình, bị đứng bên lề, bị loại trừ, rồi dần dần thích nghi… của những con người nhập cư còn hoang mang về căn tính, sống giữa một thế giới đầy định kiến và đau khổ. Có chàng trai trên hành trình khám phá và chấp nhận bản thân là một người đồng tính. Có nghèo khó, tủi hờn và chấn thương tâm lý nhưng cũng có tình yêu, tình thân, sự đồng cảm… Rồi chúng ta sẽ yêu như thế nào sau ngần ấy thương đau?


“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” không những mang đến cho người đọc trải nghiệm đầy xúc cảm về sự phong phú chủ đề được tác giả ký thác, mà còn về nghệ thuật sử dụng ngôn từ bậc thầy, đây quả thực là một tiểu thuyết mà con chữ lại được chơi đùa và khám phá như một áng thơ.





Sinh ra từ cái đẹp.

“Phải, đã có chiến tranh. Phải, mình bước ra từ chấn tâm của nó. Trong cuộc chiến đó, có một người phụ nữ tặng cho mình cái tên mới – Lan – và qua việc đó tuyên bố mình xinh đẹp, rồi khiến vẻ đẹp đó trở thành một thứ đáng giữ gìn. Từ đó, một đứa con gái ra đời, và từ đứa con gái đó, một thằng con trai.


Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh – nhưng con đã nhầm rồi mẹ à. Mình sinh ra từ cái đẹp.


Đừng để ai nhầm chúng ta là trái quả sinh ra từ bạo lực – mà hãy để họ biết rằng thứ bạo lực đó, dù đã càn qua quả, vẫn không làm hỏng được nó.”


Nhìn sâu vào quá khứ và hiện tại, nhìn sâu vào bản chất của hiện tượng, nhìn sâu vào bản ngã để khám phá, rồi chấp nhận và yêu thương bản thân.


Trên hành trình đó, Chó Con nhận thức rõ nỗi đau và niềm kiêu hãnh tạo nên sự đẹp đẽ của con người, dẫu cái đẹp này chỉ là một thoáng được rực rỡ giữa nhân gian, như vẻ đẹp của đóa hướng dương kiêu hãnh hướng về phía mặt trời.


Trả lời cho câu hỏi, rồi chúng ta sẽ yêu như thế nào sau ngần ấy thương đau, là nhận ra bản thân mình sinh ra từ cái đẹp và xứng đáng được yêu thương đong đầy, được đồng cảm sẻ chia, dẫu sự sống ấy đã bươn qua bao thăng trầm nghiệt ngã.

                                            

Từ những bóng ma lượn lờ giữa giấc mơ Mỹ?

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến sự “cứng đầu” của Ocean Vuong khi đi sâu vào khám phá tiểu thuyết đầu tay này của anh.


“Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” được viết bởi một nhà văn lớn lên từ gia đình nhập cư tại Mỹ, với ngòi bút dũng cảm đi trên con đường phá vỡ những khuôn thước chuẩn mực của văn chương Mỹ và hoàn toàn không ngần ngại đào sâu vào những vấn đề phân biệt chủng tộc hay định kiến giới còn tồn đọng trong xã hội.


Những khát khao dưới ngòi bút của Ocean Vuong dường như là sự bất tuân với luật lệ và kỳ vọng của nước Mỹ, điều này thể hiện rõ trong trích đoạn gặp gỡ và đối thoại trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần của anh:


“Tôi muốn viết về cách chiến tranh ảnh hưởng đến danh tính Mỹ. Người Mỹ tin rằng sự tham gia của họ vào chiến tranh đã kết thúc từ năm 1975, tôi thì cho rằng sự tham gia ấy không bao giờ kết thúc vì tác động của cuộc chiến đã trở lại trên chính vùng đất của họ. 


Tác phẩm của tôi quan tâm tới cách mà tâm chấn của chiến tranh trở về ám ảnh những kẻ gây ra cuộc chiến. Bản sắc của nước Mỹ không hẳn là vùng đất tự do, thịnh vượng và hy vọng, đó là vùng đất của những bóng ma. Người tị nạn là những bóng ma bằng xương bằng thịt của chính sách đối ngoại và sự bạo lực của nước Mỹ.”


Thẳng thắn mà cực kỳ sâu sắc, can đảm và thật sự “cứng đầu” – ngòi bút Ocean Vuong mạnh dạn hướng vào các khía cạnh “hạn chế” trong cách mà những nhà xuất bản văn chương Mỹ nói riêng và người Mỹ nói chung nhìn nhận người gốc Việt. Đó là một điều thật sự rất tuyệt vời!

Nguồn trích

Đăng nhận xét

0 Nhận xét