Thị trường sách nói còn nhiều khó khăn

 Thị trường sách nói ở Việt Nam đã từng bước phát triển, song vẫn còn không ít khó khăn, cần sớm được khắc phục để có thêm kênh lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, thị trường sách nói ở Việt Nam đã bước đầu được xác lập và đang có nhiều cơ hội để phát triển. 

Trong khoảng 2 năm qua, hoạt động phát hành sách nói trên các nền tảng ứng dụng đa phương tiện ở Việt Nam có sự tăng trưởng đột biến cả về mức đầu tư, doanh thu và lợi nhuận. Tổng số lượt tải nghe sách nói của bạn đọc trong năm 2021 đã lên tới trên 25 triệu lượt và còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. 

Một số ứng dụng di động chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút được hàng triệu người quan tâm. Điển hình, nền tảng Voiz FM hiện đã đạt gần 2 triệu tài khoản đăng ký với gần 600.000 tài khoản sử dụng thường xuyên hàng tháng. Nền tảng Fonos có 1,5 triệu người dùng, số lượng người dùng hàng tháng đạt trên 600.000 tài khoản. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của WeWe năm 2021 tăng gấp 7 lần so với năm 2020, tăng từ 1,2 tỷ lên 9 tỷ đồng và dự kiến năm 2022 gấp 3 lần so với năm 2021, đạt mốc 23 tỷ đồng. 

Thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp, các doanh nghiệp sách nói đã nhận được sự quan tâm, đầu tư và đồng hành của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như: Viettel, Vega Corporation, FPT… Cụ thể, Fonos đã huy động được 1,8 triệu USD vào tháng 11/2022; Công ty WeWe đã nhận được nguồn vốn đầu tư từ phía các nhà đầu tư chiến lược đạt mức 16,5 tỷ đồng (một con số vốn khá lớn đối với một doanh nghiệp startup ngành sách); Công ty Waka với sự đồng hành của Vega Corporation đã có được nguồn lực mạnh mẽ cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật số phục vụ phát triển xuất bản phẩm điện tử trong đó sách nói như một sản phẩm đặc trưng và chủ lực của doanh nghiệp.


Tuy nhiên, những thành quả nêu trên mới chỉ là bước đầu của sự phát triển. Việc phát triển thị trường sách nói ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vẫn còn một số khó khăn.

Cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành nêu một số khó khăn nổi bật: Tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát triển thị trường và niềm tin của các doanh nghiệp cung cấp sách số hóa. Nhiều nhà xuất bản, công ty sách không mặn mà với việc liên kết cung cấp sách cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, do tình trạng vi phạm bản quyền, một số đầu sách dịch, nhất là các sách bestseller trên thị trường châu Âu và Mỹ rất khó mua được bản quyền xuất bản định dạng điện tử. Vì thế, các sách hay, sách có giá trị không được số hóa dẫn đến thiếu hàng hóa cung ứng, giảm tính hấp dẫn, thu hút độc giả. 

Mặt khác, việc sản xuất sách nói ở Việt Nam có chi phí khá cao, trong khi việc thu hồi vốn lại khó khăn do nạn xâm phạm bản quyền, không ít đơn vị e ngại. Ở Việt Nam, chi phí bản quyền sách nói cao gấp 2 - 3 lần so với chi phí bản quyền làm ebook (văn bản, text) thông thường, chưa kể việc đầu tư hạ tầng cho nền tảng nghe sẽ tốn kém hơn nền tảng đọc rất nhiều lần. Trung bình giá thuê đọc một trang khoảng 10.000 - 15.000 đồng. 

Đặc biệt, hiện Việt Nam vẫn chưa có các chính sách ưu đãi đặc thù để đẩy mạnh xuất bản điện tử, sách nói. Hầu hết các chương trình, đề án, dự án xuất bản sách bằng ngân sách Nhà nước đều tập trung vào sách in và phát đến các đối tượng thụ hưởng qua hệ thống bưu chính; việc xuất bản sách theo định dạng sách điện tử còn rất ít, chưa có sách nói. 

Ngoài ra, nhân lực cho phát triển xuất bản điện tử, đặc biệt sách nói còn nhiều hạn chế. Hiện chưa có chuyên ngành đào tạo về loại hình sách nói ở các cơ sở đào tạo; các nội dung, chương trình đào tạo xuất bản điện tử của các cơ sở đào tạo chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao của sách nói hiện nay. 

Trong số khá nhiều giải pháp để khắc phục hiện trạng còn nhiều khó khăn, Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhấn mạnh giải pháp ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường sách nói, trong đó ưu tiên các chính sách về thuế, về nguồn vốn đầu tư tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp và các tổ chức tài chính đẩy mạnh đầu tư vào ngành xuất bản sách nói. 

Cùng với đó, tích cực triển khai các giải pháp đấu tranh vi phạm bản quyền; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về bảo vệ bản quyền xuất bản phẩm, trong đó có sách điện tử và sách nói.

Khuyến khích các nhà xuất bản, đơn vị phát hành đầu tư xuất bản sách nói cho người khiếm thị. Khuyến khích các công ty startup trong lĩnh vực podcast và audio nhằm phát triển thị trường sách mới. Khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia vào lĩnh vực xuất bản điện tử, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ…

Thị trường sách nói phát triển sẽ tạo thêm kênh mới hữu hiệu góp phần lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguồn trích

Đăng nhận xét

0 Nhận xét