Review Giấc mơ tiên tri - Và sự thật đằng sau những vụ án ẩn chứa hiện tượng siêu linh

 Là tác phẩm thuộc về thời kì sáng tác đầu của Higashino Keigo, cũng là cuốn sách nằm trong 4 tập truyện ngắn của cả series Thám tử Galileo, Giấc mơ tiên tri mang đến hình ảnh Giáo sư Yukawa (khi đó vẫn còn ở cương vị Phó Giáo sư khoa Vật lí trường Đại học Teito) tài năng, sắc sảo, lí trí, bí ẩn song trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Năm chương truyện, năm câu chuyện khác nhau như lát cắt, phần nào hoàn thiện dáng hình một Yukawa Manabu tuổi trẻ trong mối tương quan giữa Vật lí, rộng hơn là khoa học và logic với hiện tượng tâm linh, yếu tố thuộc về khía cạnh siêu hình.



Ma quái, kì ảo

Sáng tác bền bỉ gần nửa thế kỉ với hàng trăm tác phẩm trải dài trên nhiều loại thể, đề tài, nên cần phải nói rằng, yếu tố ma quái, hay rộng hơn là yếu tố kì ảo, không phải điều hiếm gặp trong những tác phẩm của Keigo tiên sinh ở cả hai khía cạnh, truyện ngắn hay tiểu thuyết. Nhưng với Giấc mơ tiên tri, một tập truyện ngắn thuộc thời kì đầu tác giả Higashino Keigo sáng tạo lên hình tượng Giáo sư Manabu Yukawa thì yếu tố ma quái, kì ảo như chỉ là chất phụ gia tạo dựng bối cảnh. Khi mà cuộc điều tra của người thanh tra, gần như đã đi đến hồi kết và chỉ còn yếu tố “siêu nhiên” kia, người điều tra vẫn chưa thể dùng logic thông thường lí giải.


Và cũng với hình thức tập truyện ngắn, sẽ khó lòng để độc giả kì vọng mỗi câu chuyện chứa đựng độ dày dặn về mặt tình tiết, nội dung. Tuy nhiên, vì thể tài truyện ngắn, như một lát cắt thu vào đó trọn vẹn khoảnh khắc, giai đoạn đời sống nhân sinh mà người đọc, tiếp cận mỗi tác phẩm trong đó, có quyền kì vọng đến độ hoản thiện trong việc tác giả khơi mở, thắt nút, gỡ nút từng vấn đề. Điều đấy, qua từng câu chuyện ở Giấc mơ tiên tri, khi Keigo tiên sinh đã khá thành công tạo dựng nên năm “chương” mang nội dung khác nhau, yếu tố kì ảo khác nhau nhưng đều như xoay quanh những từ khóa “giấc mơ” và “tiên tri” ấy.


Một gã đàn ông 27 tuổi đột nhập vào phòng một nữ sinh 16 tuổi vì luôn đinh ninh suốt 17 năm trời, cô gái gã chưa một lần gặp gỡ nhưng gã lại biết quá rõ tên, sẽ trở thành người vợ tương lai của gã. Tuy nhiên, hành động gần gũi với cô gái chưa kịp thực hiện, đã bị người mẹ phát hiện và trên đường chạy trốn, gã đàn ông vô tình gây tai nạn chết người. Mọi tình tiết vốn như đã sáng rõ, duy chỉ có động cơ gắn với lời “tiên tri” như một dạng nhân duyên tiền định ấy, khiến người điều tra mãi lấn cấn trong lòng.


Một gã đàn ông, trong cơn chếnh choáng men say lúc nửa đêm ở nhà cậu bạn thân đang đi vắng, đã thoáng thấy bóng dáng cô nhân tình gã vừa tạm biệt không lâu. Nhưng khoảng thời gian gã thấy bóng cô nàng, lại cũng là khoảng thời gian cô ta đã tử vong tại căn hộ cá nhân cách đó cả một quãng đường. Vậy, là oan hồn nhân tình đến báo tin cho gã sao?


Một người đàn ông biến mất một cách bí ẩn. Và nơi cuối cùng ông ta đặt chân đến, căn nhà có bà cụ đột ngột qua đời, xuất hiện những kẻ đáng ngờ. Nhưng còn đáng ngờ hơn, khi căn nhà kia, cứ đến một khoảng thời gian nhất định lại rung chuyển không rõ nguyên nhân. Là do hồn ma quấy nhiễu ư?


Một người đàn ông bị siết cổ một cách bí ẩn trong căn phòng khách sạn, mọi ánh nhìn nghi ngờ từ phía cảnh sát đều đổ dồn về phía người vợ của nạn nhân. Nhưng còn thủ pháp gây án thế nào? Và ngọn lửa ma trơi cô con gái tình cờ thấy ngay trước ngày xảy ra án mạng, là do cơn ngái ngủ của cô bé hay sao?


Một người phụ nữ tự vẫn ngoài ban công một căn hộ đối diện với căn hộ của gia đình nhân tình cô ta để dọa nạt và báo thù anh nhân tình. Vụ tự tử như không có bất kì điểm nào đáng ngờ và cảnh sát, chỉ phải thu thập lời khai từ các bên để kiện toàn hồ sơ vụ án. Nhưng khi cô bé nhà hàng xóm cạnh căn hộ nhân tình nạn nhân báo rằng đã thấy người phụ nữ tự tử vào hôm trước, thì, cô bé ấy phải chăng đã nhìn thấy một giấc mơ tiên tri?


Năm vụ án, yếu tố siêu nhiên xuất hiện nhưng hầu như tất cả, đều bị chìm khuất trước chân tướng vụ án những tưởng đã ngã ngũ còn khía cạnh yêu ma hay quỷ quái, khi vụ án được phá, qua thời gian, hẳn có lẽ cũng sẽ dần trở thành một dạng truyền thuyết đô thị mà thôi. Nhưng sau rốt, là hiện tượng siêu nhiên thật không? Và nếu được soi chiếu bằng ánh sáng khoa học, lí giải bằng logic thực nghiệm vật lí, chân tướng ma quỷ sẽ ra sao?


Nên chăng, có thể nói, yếu tố siêu nhiên tạo tiền đề khiến những vụ án nhỏ lẻ trong tập truyện Giấc mơ tiên tri trở nên bí ẩn và thúc đẩy một người thanh tra mẫn cán như Kusanagi tìm đến Giáo sư Yukawa, lúc này vẫn còn là Phó Giáo sư khoa Vật lí trường Đại học Teito. Và đây, vừa là cách đặt vấn đề, cũng là sự khơi mở đồng thời tạo nên nút thắt cho mỗi câu chuyện. Rằng thực nghiệm vật lí, có thể trở thành một “chiếc kính chiếu yêu”, soi tỏ những sự việc chìm khuất đằng sau lớp vỏ hiện tượng siêu nhiên kia hay không?


Con người

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bất kể sáng tác trên mảng đề tài nào, câu chuyện là sự khắc họa hiện thực hay chứa đựng yếu tố kì ảo thì tác phẩm của Higashino Keigo vẫn luôn lấy chủ thể con người làm trung tâm và hướng về con người. Con người là ngọn nguồn của vấn đề và cũng chính con người sẽ đi sâu vào đời sống con người mà lí giải những bí ẩn, khuất khúc mỗi cá nhân giấu kín. Và tập truyện Giấc mơ tiên tri cũng không nằm ngoài đặc trưng phong cách sáng tác đó của Keigo tiên sinh.


Thật vậy,


Trên trang viết Giấc mơ tiên tri, qua mỗi câu chuyện ngắn thuộc thể trinh thám, tác giả Higashino Keigo đã khắc họa lên những mối quan hệ phức tạp giữa người với người. Rằng cùng là yêu thương, nhưng có thứ tình yêu toan tính, vụ lợi, méo mó và đầy ích kỉ. Song cũng có thứ tình yêu sẵn sàng bất chấp, hi sinh, đánh đổi tất thảy cho người mình yêu. Đồng thời, cũng có thứ tình yêu mà người ta thấu hiểu nhau đến tuyệt vọng. Hay thứ tình yêu hiểu theo nghĩa rộng là tình người, vì tin tưởng, bao dung mà người ta trao đi yêu thương và nhận về yêu thương; dẫu cho thương yêu gửi trao, có thể sẽ phải đánh đổi bằng bi kịch.


Con người có muôn mặt biểu hiện. Khi ấy, đứng giữa sự phức tạp tới từ nội tâm lẫn hành động mỗi người, những người điều tra tiếp xúc với từng cá nhân trong tâm thế khách quan nhất của kẻ tiếp nhận sự việc từ phía người ngoài cuộc thì họ, nên nhìn nhận vụ án như thế nào đây? Tương quan mối quan hệ nạn nhân và hung thủ ra sao? Nhất là con người xã hội, ai cũng như mang theo những lớp “mặt nạ” đa màu như thế.


Nên một thanh tra Kusanagi tận tâm, nhiệt huyết với một Giáo sư Yukawa sắc sảo, lí trí mới làm nên một cặp bài trùng nổi tiếng trong văn nghiệp của tác giả Higashino Keigo vậy chăng? Khi ngay ở tập truyện Giấc mơ tiên tri viết năm 2000 đánh dấu những bước đầu tiên ông khắc họa hình tượng Thám tử Galileo, thì motif thanh tra Kusanagi tiếp nhận vụ án và mang những điều bí ẩn cần giải đáp giới tìm Giáo sư Yukawa đã trở đi trở lại. Để rồi qua từng câu chuyện ngắn, mỗi lần thanh tra Kusanagi tới và lui như vậy, không chỉ bản chất vụ án dần hiển lộ mà bản chất con người cũng dần lộ rõ, sau từng lớp “mặt nạ” bị bóc tách.


Rằng dường như, trong bi kịch liên quan đến sinh mạng con người, ai cũng là nạn nhân trong câu chuyện của bản thân và trở thành hung thủ trong câu chuyện, cuộc đời người khác.


Và giấc mơ hay lời tiên tri, sấm truyền, yếu tố tâm linh, siêu hình kia cũng có thể nhìn nhận trên nhiều khía cạnh, góc độ. Người học giả có thể dùng thực nghiệm khoa học, lí giải hiện tượng kì bí người khác khó lòng dễ dàng tìm câu trả lời. Song cũng có khía cạnh liên quan tới niềm tin hay cả mặt siêu nhiên có thể tồn tại, như nằm ngoài phạm trù lí thuyết, thực nghiệm khoa học.


Chỉ còn các cá nhân ở lại. Đặc biệt những ai vẫn thường chứng kiến đủ đầy khuất khúc tăm tối nội tâm con người như nhóm người hành nghề điều tra phá án, là tâm hồn đang dần chai sạn mà rồi vụn vỡ. “Cậu có lòng tốt là bởi làm cảnh sát chưa được bao lâu. Theo đuổi cái nghề này lâu, con người ta sẽ càng lúc càng vỡ vụn.”


Cuộc sống đa sắc màu, đa chiều, đa diện.


Con người cũng mang đa gương mặt như thế. Mà càng nhìn thấu con người, người ta càng thấu triệt sự phức tạp khôn đáy của nhân sinh. Thứ vốn chẳng thể chỉ dùng những công thức cứng nhắc, đi tới được tận cùng lời giải.

Là con người hay là yêu ma

Vậy, sau rốt, là con người hay là yêu ma?


Có lẽ, tương tự nhiều sáng tác của Keigo tiên sinh, sau năm truyện ngắn ở tập truyện Giấc mơ tiên tri, tới tận những trang viết cuối cùng, ông vẫn để ngỏ đáp án cho câu hỏi này như một kết mở chung cho mọi chuyện.


Khi mà sau tất thảy, hiện tượng người ta những tưởng là siêu nhiên, vốn lại có sự sắp đặt của bàn tay con người thì tới tận cùng, trong tâm người ở lại, kẻ thủ ác, cũng sẽ mãi mang theo thứ bóng ma quá khứ ám ảnh cho tội lỗi họ gây ra.


Mà ngày nào người ta vẫn còn là con người với đủ đầy toan tính, ích kỉ của những thất tình lục dục, bi kịch sẽ còn tái diễn như một vòng lặp nghiệp báo khôn dứt.


Và, giấc mơ tiên tri, hẳn nhiên sẽ ứng nhiệm.


Nguồn trích

Đăng nhận xét

0 Nhận xét