Sách lậu, sách giả đang 'ngáng đường' phát triển văn hóa đọc
Vấn nạn sách lậu, sách giả đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường văn hóa, làm sai lệch thị trường cạnh tranh lành mạnh, hình thành thói quen không tôn trọng bản quyền tác phẩm và công sức sáng tạo của tác giả trong cộng đồng.
Thách thức pháp luật và triệt tiêu sức sáng tạo
Ngày 29/8, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc. Tham dự hội thảo còn có đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL), Hội Thư viện Việt Nam cùng các NXB và cơ quan truyền thông.
Đồng chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành; TS Đỗ Quang Dũng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; PGS, TS Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Hội thảo đã nhận được gần 20 tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, NXB và đơn vị làm sách tư nhân. Các tham luận tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Đánh giá tác động của sách giả, sách lậu đối với người sử dụng; Đánh giá những tác động của việc sử dụng sách giả, sách lậu đối với việc chấp hành quy định pháp luật hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc; Đề xuất các giải pháp để tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng sách lậu, sách giả.
Hội thảo 'Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giá đối với phát triển văn hóa đọc'.
PGS.TS Trần Thanh Giang - PGĐ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu thực trạng làm giả, làm lậu sách trên mọi lĩnh vực, trong đó có sách giáo dục, gây tác động tiêu cực đối với độc giả trẻ, phần lớn là học sinh, sinh viên.
PGS.TS Trần Thanh Giang cho rằng vấn nạn xuất bản phẩm giả, in lậu làm mất đi nét đẹp trong văn hóa đọc của cộng đồng
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết việc phát hành sách giả, sách lậu ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức từ in truyền thống đến sách điện tử, sách nói… đã tác động xấu đến hoạt động xuất bản và việc tiếp cận tri thức của người dân cũng như mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Việc bạn đọc sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đã tiếp tay cho các đối tượng có thị trường tiêu thụ; gây thiệt hại cho lợi ích của cơ quan, tổ chức và cá nhân; tác động xấu đến công tác quản lý, tổ chức, thực thi pháp luật; xâm phạm quyền tác giả...
Nhiều đơn vị đang kinh doanh sách tóm tắt
Nhấn mạnh vào câu chuyện bảo vệ bản quyền, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) bày tỏ quan điểm: các tác giả - những người đầu tư thời gian, công sức sáng tạo nên được trả công, đền đáp một cách xứng đáng, từ đó khích lệ họ có thêm những cống hiến, sáng tạo cho xã hội. Bên cạnh đó, các NXB đã đầu tư công nghệ, kỹ thuật làm ra xuất bản phẩm cũng cần được tôn trọng và bảo vệ.
Theo ông Hoàng Anh Hào, đại diện NXB Trẻ, hiện có hơn 300 đầu sách của đơn vị này bị làm giả tiêu biểu phải kể đến các bộ sách Dạy con làm giàu, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bộ sách Gieo mầm tính cách…
Các hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, từ việc in lậu, làm sách giả đến việc sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, mạng xã hội, ứng dụng di động. Đặc biệt tình trạng bán sách lậu thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử với giá bằng 1/2, thậm chí bằng 1/3 sách thật.
Không dừng ở đó, nhiều người còn phát sóng trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội để tăng tương tác, tóm tắt, đánh giá (review) sách. Một thực trạng phổ biến là nhiều đơn vị đang kinh doanh sách tóm tắt. Nếu việc làm sách tóm tắt vi phạm bản quyền không được kiểm duyệt chặt chẽ sẽ dẫn đến sai phạm về bản quyền tác giả khi trích gần như là toàn bộ nội dung của tác phẩm. Điều đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của tác giả.
Ông Hoàng Anh Hào, đại diện NXB Trẻ cho biết hơn 300 đầu sách của đơn vị đã bị làm giả.
Chung tay gỡ rối
Trong các tham luận tại Hội thảo, đại diện các NXB Trẻ, TT&TT, Công ty CP sách Omega… đề xuất một số giải pháp để giải quyết vấn nạn sách giả, sách lậu.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Cần thành lập cơ quan chuyên trách về phòng, chống in lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; thực hiện nghiêm việc phát hiện, xử lý vi phạm theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Quản lý chặt chẽ hoạt động liên kết xuất bản với cả sách in và sách điện tử. Cuối năm 2022, đường dây nóng xử lý sách lậu đã được thành lập trực 24/24h, nhưng cần có quy trình xử lý nhanh hơn, tốc độ hơn, vận hành hiệu quả hơn
Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra, tòa án, quản lý thị trường… để phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng sách lậu, sách giả, gian lận thương mại, vi phạm bản quyền, quyền tài sản của tổ chức, cá nhân.
Có cơ chế phối hợp chung, giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với đơn vị xử lý những vấn đề vi phạm bản quyền. Việc xử lý tình trạng sách giả, sách lậu trên nền tảng số hiện còn manh mún, chủ yếu dựa trên cơ sở ý thức bảo vệ tác quyền của từng cá nhân, tổ chức có liên quan. Ngoài ra, phải quy định rõ về cách thức quản lý người dùng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Đối với các đơn vị xuất bản, in và phát hành: đẩy mạnh truyền thông sản phẩm chính hãng, sách thật có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt; Thực hiện các biện pháp kỹ thuật giúp bạn đọc nhận diện sách giả, tìm mua sách thật: sử dụng tem thông minh, làm bìa ép kim, làm hiệu ứng, tạo QR Code cung cấp thông tin xuất bản phẩm chính hãng, chọn chất liệu giấy tốt, tem chống giả; Tổ chức nhiều dòng sách để đáp ứng nhu cầu và khả năng đa dạng của bạn đọc; Đề xuất thành lập một chuyên trang chống sách lậu là nơi tuyên truyền về ý thức bảo vệ sở hữu trí tuệ cho độc giả.
Cần hướng dẫn người đọc cách phân biệt sách thật - sách giả cơ bản và tuyên truyền nâng cao ý thức cũng như thói quen lựa chọn sách thật. Khi mua hàng online, độc giả phải khảo sát giá cả, nguồn gốc sản phẩm và lai lịch người bán.
Đặc biệt, NXB Khoa học Kỹ thuật đã trình chiếu tại Hội thảo Giải pháp CheckVN Book - tem chống giả điện tử cho xuất bản phẩm. Với công nghệ CheckVN Book, khi mua sách và thao tác kiểm tra thông tin, cào lớp nhũ bảo mật kiểm tra thật giả, nhập thông tin xác thực khi thanh toán, khách hàng không chỉ mua được ấn bản phẩm thật của NXB mà còn được khẳng định quyền sở hữu với cuốn sách đã mua, bởi tất cả các lần kiểm tra thông tin trên tem CheckVN Book đã gắn trên cuốn sách, thông tin sẽ hiển thị chủ sở hữu đã trả tiền mua sách.
Bàn về việc đào tạo sinh viên ngành xuất bản, Tiến sĩ Vũ Thùy Dương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết cần đặt ra những quy định cụ thể cho học viên tuân thủ, tôn trọng quyền tác giả, quyền liên quan trong việc sử dụng tài liệu học tập. Để giảm thiểu tình trạng sách giả, cần thúc đẩy chuyển đổi số trong xuất bản, phát hành và phân phối sách, bao gồm phát triển các nền tảng trực tuyến cho việc mua sách hợp pháp và theo dõi nguồn gốc.
TS Vũ Thùy Dương đề xuất một số giải pháp giảm thiểu tình trạng làm giả, làm lậu sách.
Phát biểu kết luận Hội thảo Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giá đối với phát triển văn hóa đọc, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định: các NXB phải đồng lòng hiệp sức, vận dụng linh hoạt những giải pháp về quản lý thể chế; giải pháp kinh tế như tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh, mở các thị trường mới. Ngoài ra, phải liên hệ với hệ thống ngân hàng, logistics, thiết lập “danh sách đen” các đơn vị vi phạm để diệt tận gốc vấn nạn này.
Ông Nguyễn Nguyên nhận định đấu tranh chống in lậu cần đến sự kiên trì, nhẫn nại nhưng cũng đòi hỏi những giải pháp đột phá.
Ông Nguyên đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc chống vấn nạn sách lậu, sách giả: “Đã có những trường học mà sinh viên bị đánh trượt khi dùng sách giả, sách lậu. Bởi vì họ đã trượt ngay từ nhận thức, vi phạm pháp luật khi mới bước chân vào nhà trường. Chính vì vậy tôi cho rằng, trong tuyên truyền, câu chuyện bắt đầu từ ý thức sử dụng sách, tài liệu trong các cơ sở đào tạo rất quan trọng”.
Đăng nhận xét
0 Nhận xét